Viện Kiểm sát nhân tỉnh Lào Cai vừa ban hành cáo trạng truy tố 16 bị can trong vụ khai thác quặng Apatit về các tội "Rửa tiền", "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" và "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Liên quan đến số tiền 5 tỉ đồng, bị can Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư tỉnh ủy Lào Cai) được Nguyễn Mạnh Thừa (Giám đốc Công ty Lilama) biếu “quà Tết”, nhiều người tỏ ra băn khoăn khi ông này không bị xử lý về tội “Nhận hối lộ”, giống như bị cáo Vũ Liên Oanh - cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh ở vụ án vi phạm đấu thầu vừa được đưa ra xét xử.

Theo đó, ở vụ án này, cựu Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cùng 7 bị can liên quan (từng là lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành thuộc tỉnh Lào Cai) bị xác định là từ năm 2012 - 2015, biết rõ diện tích 3,77ha tại xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai, thuộc Khai trường 18 đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch quặng Apatit tại Quyết định số 28 và thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản ở khu vực này thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, cựu Bí thư tỉnh ủy Lào Cai cùng một số bị can liên quan đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm trái công vụ, tạo điều kiện khi ký các văn bản, giấy tờ chứng nhận đầu tư trái pháp luật, cấp 3,77ha đất thuộc Khai trường 18 cho Công ty Lilama. Từ đó dẫn tới việc Nguyễn Mạnh Thừa và đồng phạm khai thác trái phép tài nguyên, kháng sản.

bi-can-thua-42-1127-1697964029.jpg
Cựu Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh.

Bản cáo trạng cũng xác định, hành vi của ông Nguyễn Văn Vịnh đã góp phần để Công ty Lilama cùng Công ty Apatit Việt Nam khai thác và tiêu thụ trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit, trị giá hơn 610 tỉ đồng. Qua đó, hai doanh nghiệp này thu lời bất chính hàng trăm tỉ đồng. Hưởng lợi số tiền đặc biệt lớn, bị can Nguyễn Mạnh Thừa đã biếu bị can Vịnh 5 tỉ đồng với lý do “quà Tết”.

Lý giải về việc cựu Bí thư tỉnh ủy Lào Cai không bị xử lý tội “Nhận hối lộ”, luật sư Bùi Xuân Lai (Công ty Luật TNHH Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật Sư X) nhìn nhận, cáo trạng truy tố bị can này về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo khoản 3, Điều 281 - Bộ luật Hình sự năm 1999 là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.

Cụ thể, Điều 281 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì mức án cao nhất lên đến 15 năm tù.

Vị luật sư phân tích, cấu thành cơ bản và những dấu hiệu đặc trưng của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là người phạm tội là người có chức vụ quyền hạn; người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp và động cơ có thể là vụ lợi (mong muốn nhận được lợi ích vật chất) hoặc động cơ khác như nể nang, có mối quan hệ họ hàng, thân thích, bạn bè…

Tiếp đến là hành vi phạm tội gây ra thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Và đặc biệt, hành vi phạm tội đối với tội danh này là phải có yếu tố “trái công vụ”.

Nói một cách đơn giản hơn là người có chức vụ, quyền hạn mà lợi dụng hoặcsử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi trái công vụ, dẫn đến thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, xã hội hoặc lợi ích của người khác vì bất kỳ động cơ, mục đích gì thì hành vi đó là hành vi phạm tội, theo quy định tại Điều 281 - BLHS năm 1999 (nay là Điều 365 - BLHS năm 2015).

81271905fb1c2842710d7-1697964067.jpg
Luật sư Bùi Xuân Lai (Công ty Luật TNHH Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật Sư X).

Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mà vụ lợi là nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác thì được xác định là hưởng lợi bất chính, sẽ bị xem xét là tình tiết tăng nặng trong quá trình xét xử, lượng hình. “Và như phân tích ở trên, yếu tố vụ lợi, nhận tiền không phải là một trong những yếu tố cấu thành cơ bản và dấu hiệu đặc trưng, điển hình của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” - luật sư Bùi Xuân Lai nói.

Cũng theo vị luật sư, đối với tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 279 - BLHS năm 1999 (nay là Điều 354 - BLHS năm 2015) lại có cấu thành cơ bản và những dấu hiệu đặc trưng riêng, khác biệt.

Cụ thể, Điều 279 quy định, nhận hối lộ là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Và mức án cao nhất của tội danh này lên đến Tử hình.

“Mặc dù chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm, tức yếu tố lỗi là giống nhau nhưng hành vi khách quan và khách thể của hai tội danh nêu trên lại có sự khác nhau khá căn bản” - luật sư nhận định và cho biết, đặc điểm đặc trưng, điển hình của tội “Nhận hối lộ” là sự thỏa thuận, trao đổi, hứa hẹn mang tính “có qua có lại”, cân bằng, đối xứng giữa người có chức vụ, quyền hạn (nhận hối lộ) với người đưa hối lộ.

Nói cách khác, đố tượng, khách thể cụ thể của tội danh này là việc “mua bán quyền lực”. Ở đó, một bên dùng vị trí công tác, chức vụ và quyền lực của mình để hướng tới và có được tiền bạc, vật chất hoặc lợi ích khác. Còn một bên thì dùng tiền bạc, vật chất hay lợi ích khác để đổi lấy và đạt được cái mình mong muốn.

Ngoài ra, yếu tố “trái công vụ” không phải là yếu tố bắt buộc đối với tội “Nhận hối lộ”. Điều này đồng nghĩa với việc, người có chức vụ, quyền hạn (nhận hối lộ) chỉ cần lợi dụng hoặc sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu, lợi ích của người đưa hối lộ là cấu thành tội danh này.

Về việc cựu Bí thư tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cùng các bị can liên bị truy tố theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, luật sư Bùi Xuân Lai cho biết, do hành vi phạm tội của các bị can xảy ra vào thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực, nên căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội, các cơ quan tố tụng tỉnh Lào Cai áp dụng bộ luật này để xử lý, giải quyết vụ án là phù hợp.