Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát thông tin cho biết hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện một số clip giả danh các bác sĩ có tên tuổi, đang công tác tại các bệnh viện lớn để tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm. 
 

Một số hình ảnh, clip khác lại là bác sĩ, lương y giả, tự xưng là bác sĩ, lương y cũng để bán thuốc, tư vấn chữa bệnh. 

Cảnh báo nhiều đối tượng giả danh, bác sĩ, lương y, bệnh viện để bán thuốc, thực phẩm chức năng - Ảnh 1.

Người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sỹ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.

Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe.

Thời gian gần đây, các bác sĩ, các bệnh viện liên tục đưa ra các cảnh báo về việc có đối tượng mạo danh các bác sĩ, các bệnh viện để bán thuốc, bán thực phẩm chức năng, chữa bệnh trái phép. 

Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về việc liên tục nhận được phản ánh của nhiều người dân qua đường dây nóng về việc có một số đối tượng mạo danh giới thiệu là cán bộ, nhân viên của bệnh viện.

Đánh giá về góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết: Hành vi của các đối tượng giả mạo bác sĩ, cơ sở y tế để bán thực phẩm chức năng là hành vi tán tận lương tâm, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hoàn toàn có thể xử lý bằng chế tài hình sự.

Khi xã hội phát triển thì nhu cầu về thuốc, thực phẩm chức năng của con người tăng cao. Có rất nhiều kênh để tiếp cận với những nguồn cung cấp thực phẩm chức năng, cũng như mua những loại thuốc tốt, trong đó có thông qua các hoạt động thương mại điện tử, các giao dịch trên không gian mạng. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, cho người sử dụng thực phẩm thì luật quảng cáo và các văn bản pháp luật có liên quan cũng có những quy định để quản lý hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng trên không gian mạng. 

Dưới góc độ pháp lý cũng như vậy y khoa thì thuốc và thực phẩm chức năng là khác nhau, có công dụng vào mục đích sử dụng khác nhau. Thuốc lá để chữa bệnh còn thực phẩm chức năng là để hỗ trợ bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tổ chức cá nhân quảng cáo mập mờ, đánh tráo khái niệm, quảng cáo thực phẩm chức năng giống như các loại thuốc thần dược, có thể chữa bách bệnh. Hành vi quảng cáo thuốc hoặc quảng cáo thực phẩm chức năng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Trong đó pháp luật quy định rất rõ đối với thực phẩm chức năng thì phải nói rõ "không phải là thuốc và không thay thế thuốc chữa bệnh". Đối tượng được phép quảng cáo, thủ tục quảng cáo, nội dung quảng cáo phải tuân thủ quy định của luật quảng cáo và các văn bản pháp luật có liên quan. 

Khoản 2, Điều 79 Luật dược quy định điều kiện đối với thuốc được quảng cáo được quy định như sau: Thuộc Danh mục thuốc không kê đơn; Không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Giấy đăng ký lưu hành thuốc còn thời hạn hiệu lực tại Việt Nam.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 119 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP: Cơ sở được đứng tên trong hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bao gồm: Cơ sở đăng ký thuốc tại Việt Nam; Văn phòng đại diện tại Việt Nam của chính cơ sở nước ngoài đăng ký thuốc tại Việt Nam và được cơ sở này uỷ quyền; Cơ sở kinh doanh dược của Việt Nam được cơ sở đăng ký thuốc tại Việt Nam uỷ quyền.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 120 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP: Các trường hợp cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc: Nội dung quảng cáo thuốc được đề nghị cấp giấy xác nhận lần đầu; Nội dung quảng cáo thuốc đã được cấp giấy xác nhận nhưng có thay đổi cơ sở đứng tên đăng ký thuốc, tên thuốc, thành phần, nồng độ hoặc hàm lượng, dạng bào chế, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, cách dùng, sử dụng thuốc trên các đối tượng đặc biệt, các thông tin liên quan đến cảnh báo và an toàn thuốc.

330596976-1280872112-1685090468.jpg
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X)

 

Đối với thực phẩm chức năng: Điều 1 Thông 09/2015/TT-BYT, thực phẩm chức năng là một loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Trong đời sống, thực phẩm chức năng được hiểu là các loại thực phẩm bổ sung vào chế độ ăn uống để cải thiện sức khỏe, đồng thời làm giảm nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe và ngăn ngừa các loại bệnh. Lưu ý: Thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 được quy định: Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.

Thực phẩm chức năng được thể hiện dưới dạng sản phẩm, hàng hoá để giới thiệu, phân phối đến người tiêu dùng. Vì vậy, việc quảng cáo thực phẩm chức năng là cần thiết, pháp luật không cấm, thậm chí khuyến khích. Tuy nhiên trình tự thủ tục quảng cáo như thế nào, nội dung quảng cáo ra sao thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Hành vi vi phạm về quảng cáo thì sẽ bị xử phạt bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự. 
Theo điểm đ khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 và Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP, nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải đáp ứng những điều kiện cụ thể sau:

1. Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

2. Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung sau đây:

- Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm;

- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

3. Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP và các nội dung sau đây:

- Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);

- Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

5. Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP.

Đối với hành vi sử dụng tên tuổi của bác sĩ, nhân viên y tế, tên cơ sở y tế để quảng cáo thuốc hoặc thực phẩm chức năng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định:  "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".

Người thực hiện hành vi vi phạm về quảng cáo, đưa ra thông tin sai sự thật về xuất xứ, công dụng, hiệu quả của thuốc và thực phẩm chức năng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo từng tình huống cụ thể.

Đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại sử dụng thông tin hình ảnh của bác sĩ, nhân viên y tế hoặc thông tin địa chỉ của cơ sở y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân... mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị phạt đến 30.000.000 đồng theo quy định tại  Điều 52 của Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Cụ thể mức phạt đối với từng hành vi vi phạm về thực phẩm chức năng như theo Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a, b khoản 15 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP) như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;

b) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; khuyến cáo về nguy cơ, cảnh báo đối tượng không được sử dụng theo một trong các tài liệu quy định đối với thực phẩm chức năng; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

c) Quảng cáo trên các thiết bị điện tử tại nơi công cộng; phát tán hoặc thuyết trình tại hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu thực phẩm không đúng với hồ sơ công bố hợp quy hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc hồ sơ tự công bố sản phẩm hoặc hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm có phát tán hoặc thuyết trình các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, được sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế;

b) Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;

c) Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng;

b) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này;

b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này;

c) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Trường học hành vi quảng cáo gian dối vi phạm luật quảng cáo đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 bộ luật hình sự, với mức phạt là có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 197. Tội quảng cáo gian dối

1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy các đối tượng đã gian dối trong việc mua bán hàng hóa để thu lợi bất chính số tiền từ 5.000.000 đồng trở lên thì cơ quan chức năng cũng có thể xử lý các đối tượng này về tội lừa dối khách hàng theo quy định tại điều 198 bộ luật hình sự với mức hình phạt có thể tới năm năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: 

Điều 198. Tội lừa dối khách hàng

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, trường hợp hành vi được xác định là lừa dối khách hàng nhưng số tiền thu lợi bất chính chưa đến 5.000.000 đồng hoặc chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất có thể tới 20.000.000 đồng. 

Việc xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau: 

Điều 61. Hành vi vi phạm khác trong quan hệ với khách hàng, người tiêu dùng

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5.000.000 đồng:

a) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng do nhầm lẫn;

b) Đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng;

c) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ bị đánh tráo, gian lận cho khách hàng, người tiêu dùng;

d) Tự ý bớt lại bao bì, phụ tùng, linh kiện thay thế, hàng khuyến mại, tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng kèm theo khi bán hàng, cung cấp dịch vụ;

đ) Thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự;

e) Yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;

g) Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

6. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không giải trình hoặc giải trình không đúng thời hạn hoặc không cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định;

b) Từ chối tiếp nhận yêu cầu tiến hành thương lượng của người tiêu dùng hoặc không tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi hàng hóa không bảo đảm chất lượng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 1 trong các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.”

Cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm, làm rõ việc thu lợi bất chính để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối hoặc tội lừa dối khách hàng. Trường hợp chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng xác định hành vi thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên thì vẫn có thể xử lý hình sự về tội lừa dối khách hàng. Ngoài ra nếu có hành vi đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng này cũng thể có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự với chế tài nghiêm khắc hơn rất nhiều