Thời gian qua, việc các chủ nợ đăng ảnh con nợ lên mạng xã hội với mục đích đòi nợ vẫn đang diễn ra. Nhiều chủ nợ còn dùng những lời lẽ thô tục nhằm đe doạ, bôi nhọ con nợ. Tuy nhiên, các chủ nợ lại không biết rằng hành vi đăng tải hình ảnh người khác lên mạng xã hội khi chưa được người đó đồng ý là hành vi vi phạm pháp luật.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Bùi Xuân Lai, Công ty Luật TNHH hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X cho biết theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Tại khoản 4 Điều 26 Nghị định 72/2013 quy định người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013 cũng quy định các hành vi bị cấm, trong đó người sử dụng mạng xã hội không được lợi dụng việc cung cấp, sử dụng mạng xã hội để thực hiện các mục đích mà pháp luật nghiêm cấm như đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Từ những quy định trên có thể thấy, việc người cho vay tiền tự ý lấy ảnh của người vay cũng như bạn bè, người thân của họ đăng tải lên mạng xã hội như để gây áp lực, đe doạ để trả nợ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.

Tuỳ vào tính chất, mức độ của hành vi mà người cho vay có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.

dang-hinh-len-mang-xu-ly-the-nao-0909061505-1701052464.png
 

Về xử lý hành chính

Việc đăng bài xúc phạm, cung cấp thông tin không chính xác gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020 (sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022). Cụ thể, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Ngoài ra, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Đồng thời, căn cứ điểm e, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020 (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022), hành vi trên còn có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng vì thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Mức xử phạt vi phạm hành chính được nêu trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020).

Nếu người cho vay sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm xâm phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng theo quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 18 Nghị định 38/2021.

Về xử lý hình sự

Hành vi của người đăng ảnh lên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) về tội làm nhục người khác với hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Mức phạt từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm vì sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội (điểm e, khoản 2, Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017).

Nếu việc đòi nợ khiến nạn nhân tự sát hoặc làm người bị đòi nợ bị rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 - 5 năm (theo khoản 3, Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).